Nhận xét Thạch_tướng_quân

Cao Huy Đỉnh trong quyển Người anh hùng làng Dóng đã nên ra một số dị bản truyện Thánh Gióng trong đó có dị bản Thạch tướng quân. Còn Nguyễn Huy Bỉnh trong bài Truyền thuyết Thạch Tướng Quân trong mối quan hệ với tín ngưỡng thờ đá cho rằng,mặc dù truyền thuyết Thánh Gióng và truyền thuyết Thạch Tướng Quân có sự ảnh hưởng và tác động đến nhau, nhưng về cơ bản đây là hai truyền thuyết riêng biệt chứ không phải là dị bản của nhau, tác giả nhận xét:

Thạch Tướng Quân trong truyền thuyết là một nhiên thần mang hình dáng của vị thần đá …Trong đời sống tâm linh của người dân Tiên Lát, truyền thuyết Thạch Tướng Quân đã tồn tại các bản kể khác nhau qua nhiều thế hệ người dân. Đây là cơ sở cho phép khẳng định rằng, truyền thuyết này đã được lưu truyền phổ biến trong chiều dài lịch sử; và gắn với truyền thuyết là sự ngưỡng vọng, niềm tin của biết bao thế hệ người dân nơi đây về một vị thần quyền phép nhiệm mầu. Trong ký ức dân gian, nhân vật Thạch Tướng Quân được tôn thờ ở các khía cạnh khác nhau: Thứ nhất là vị tướng có tài năng và sức mạnh đặc biệt; thứ hai là vị tướng lập chiến công kỳ vỹ giúp nhà vua đánh thắng giặc Man; thứ ba là vị thần bảo hộ cho dân làng Tiên Lát. Chính những khía cạnh được tôn vinh này đã làm cho hình tượng nhân vật Thạch Tướng Quân in khắc vào trí tưởng tượng của nhân dân và có một sức sống lâu bền trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân.

Một điều đáng chú ý là khi so sánh giữa kết cấu truyền thuyết Thạch Tướng Quân và kết cấu truyền thuyết Thánh Gióng có một số motif trùng hợp nhau như về sự ra đời, cả hai nhân vật đều sinh ra do thụ thai thần kỳ và sinh nở thần kỳ; về sự trưởng thành, cả hai đều nhiều tuổi rồi mà vẫn chưa biết nói năng, chỉ suốt ngày nằm một chỗ, đến khi có sứ giả của nhà vua đi tìm người tài giết giặc thì mới vùng dậy, cất tiếng nói và trở thành một vị thiên tướng thời Hùng Vương, rồi xin nhà vua ban cho vũ khí để đi đánh giặc; về việc lập chiến công phi thường thì truyền thuyết kể rằng cả hai vị thiên tướng đều quét sạch giặc, giúp đất nước được bình yên; về sự hóa thân nhân vật, cả hai truyền thuyết đều có chi tiết kể, sau khi chiến thắng quân giặc nhân vật Thánh Gióng và Thạch Tướng Quân cùng lên đỉnh núibay về trời. Nếu căn cứ vào việc đối chiếu thời điểm ra đời của văn bản thì truyền thuyết Thạch Tướng Quân xuất hiện muộn hơn khoảng 500 năm so với truyền thuyết Thánh Gióng. Như vậy, dựa trên cả phương diện đồng đại và lịch đại thì giả thiết bước đầu của chúng tôi là các motif trong truyền thuyết Thánh Gióng đã tác động, ảnh hưởng đến truyền thuyết Thạch Tướng Quân. Đó chính là quy luật lan tỏa và tiếp thu văn hóa đã từng diễn ra phổ biến đối với các hiện tượng văn hóa tồn tại trên các địa bàn gần gũi nhau…Mặc dù truyền thuyết Thánh Gióng và truyền thuyết Thạch Tướng Quân có sự ảnh hưởng và tác động đến nhau, nhưng về cơ bản đây là hai truyền thuyết riêng biệt chứ không phải là dị bản của nhau.

Khảo sát các sự kiện trong truyền thuyết và các nghi thức trong đời sống tín ngưỡng dân gian tại Tiên Lát cho thấy, truyền thuyết và tín ngưỡng thờ Thạch Tướng Quân còn có sự dung hợp yếu tố tôn giáo ngoại lai mà đậm đặc nhất là yếu tố Phật giáo, nó thể hiện qua việc xuất hiện các ngôi chùa tháp gắn liền với sự tích và sự thờ cúng vị thần, đặc biệt là việc dân làng đã mang tượng thờ Thạch Tướng Quân gửi ở chùa Bổ Đà để nghe giảng kinh Phật vì cho rằng, vị thần này vô cùng dũng mãnhhung dữ nên cần phải được cảm hóa. Hành động ấy chính là sự phối thờ giữa thầnPhật. Các lớp văn hóa Phật giáo tuy xuất hiện muộn hơn nhưng đã lưu lại dấu ấn rất đậm trong tín ngưỡng thờ Thạch Tướng Quân, bởi nó có nhiều điểm phù hợp với điều kiện sống của cư dân bản địa, phù hợp với tâm lý của cộng đồng.[2]